Công bố Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050

12/07/2024

Lượt xem 301

Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 kêu gọi tất cả cùng chung tay thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (net zero).

Ngày 8/7/2024 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký ban hành Quyết định số 611/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia là chủ động phòng ngừa, kiểm soát được ô nhiễm và suy thoái môi trường; phục hồi và cải thiện được chất lượng môi trường; ngăn chặn suy giảm và nâng cao chất lượng đa dạng sinh học, nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của Nhân dân trên cơ sở sắp xếp, định hướng phân bố hợp lý không gian, phân vùng quản lý chất lượng môi trường; định hướng thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh; định hướng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường cấp quốc gia và cấp tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, hài hòa với tự nhiên và thân thiện với môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tầm nhìn đến năm 2050 của Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia là: Môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành cho nhân dân; bảo tồn hiệu quả đa dạng sinh học và duy trì được cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; xã hội phát triển hài hòa với phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp nhằm hướng tới đưa phát thải ròng bằng "0" (Netzero) vào năm 2050; bảo đảm an ninh môi trường gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.

Quy hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia đưa ra các giải pháp về tổ chức và giám sát thực hiện quy hoạch, bao gồm: 

  • Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng; 
  • Hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; 
  • Hoàn thiện tổ chức bộ máy, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong bảo vệ môi trường; 
  • Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; 
  • Tăng cường đầu tư tài chính; 
  • Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường; 
  • Hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường.

Trong đó, đáng chú ý là nội dung ứng dụng khoa học & công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, mạng lưới quan trắc và cơ sở dữ liệu môi trường bao gồm các nội dung sau:

  • Khuyến khích áp dụng công nghệ sạch, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả nguyên, nhiên liệu và năng lượng.
  • Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; cải tiến, chuyển đổi công nghệ, áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất (BAT), công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực để bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
  • Ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ, cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số, công nghệ thông tin, công nghệ viễn thám và công nghệ hiện đại trong quản lý, theo dõi, giám sát, quan trắc và cảnh báo môi trường; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục hành chính về môi trường.
  • Thúc đẩy áp dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn, ưu tiên công nghệ tiên tiến, hiện đại, thân thiện với môi trường, thu hồi năng lượng, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại đồng bộ, hiệu quả, không gây ô nhiễm môi trường, giảm lượng chất thải rắn xử lý bằng chôn lấp trực tiếp.
  • Phát triển và ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ trong quan trắc và cảnh báo môi trường, đặc biệt là khu vực áp dụng tập trung nhiều nguồn thải, khu vực nhạy cảm về môi trường.
  • Ứng dụng công nghệ hiện đại xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường thống nhất, đồng bộ, cập nhật, chia sẻ và được kết nối liên thông giữa các cấp, các ngành; bảo đảm thông tin môi trường được cung cấp kịp thời. Thúc đẩy chuyển đổi số, số hóa cơ sở dữ liệu, thông tin về môi trường.
  • Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong bảo vệ môi trường; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực cho các cơ quan nghiên cứu, đào tạo về môi trường.
  • Thúc đẩy và phát triển ngành công nghiệp môi trường ở Việt Nam xứng tầm để giải quyết tốt những vấn đề môi trường trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Có thể nói, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Chính phủ đã xác định đúng đắn hướng đi để tất cả các bộ, ban ngành và doanh nghiệp và nhân dân cùng chung tay thực hiện các hành động bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2050, môi trường có chất lượng tốt, bảo đảm môi trường sống trong lành; phát triển nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp hướng tới đưa phát thải ròng bằng “0”.

Toàn văn của Quy hoạch, tải về tại đây

Để biết thêm thông tin chi tiết về các dịch vụ liên quan đến kiểm kê khí nhà kính và chứng nhận môi trường, vui lòng liên hệ:

  • Công ty CP Công nghệ và Tư vấn CIC - Trung tâm GPCN ngành Khai khoáng và Vật liệu xây dựng
  • Hotline: 0866059659 / 0332268626