EU hướng dẫn lộ trình triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM)

05/10/2023

Lượt xem 291

Trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1/10/2023 đến 31/12/2025, các nhà nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa CBAM chỉ phải báo cáo chất lượng phát thải khí nhà kính mà chưa cần trả phí hay thanh toán.

Như CIC đã có bài viết về lộ trình triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới Carbon (CBAM), bắt đầu từ ngày 1/10/2023 đến hết năm 2025, Liên minh Châu Âu (EU) đã yêu cầu 6 loại hàng hoá thải ra nhiều carbon nhất trong quá trình sản xuất là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hiđro cần phải tuân thủ các nghĩa vụ báo cáo về tiêu chuẩn khí thải theo CBAM.

Trong bài viết này, CIC đưa ra những thông tin hướng dẫn mới của EU về cách thức triển khai và những quy định mà các nhà nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa kể trên cần phải thực hiện.

Trước đó, ngày 15/9/2023, EU đã đưa ra một công báo Quy định thực thi (EU) 2023/1773 được ban hành ngày 17/8/2023 về các quy tắc áp dụng Quy định (EU) 2023/956 liên quan đến nghĩa vụ báo cáo của cơ chế điều chỉnh biên giới carbon trong giai đoạn chuyển tiếp. Quy định thực thi này bắt đầu có hiệu lực từ ngày 16/9/2023.

Theo đó, Quy định nêu chi tiết các nghĩa vụ báo cáo chuyển tiếp đối với các nhà nhập khẩu hàng hóa CBAM (nhôm, sắt thép, phân bón, xi măng, hydrogen, điện) của EU và phương pháp để tính toán lượng khí thải tích hợp thải ra trong quá trình sản xuất những hàng hóa này.

 Thép nằm trong danh sách hàng hóa nhập khẩu áp dụng CBAM của EU. Ảnh: Getty Images

EU cũng đã đưa ra hướng dẫn về việc thực hiện thực tế các quy định mới để giúp cả các nhà nhập khẩu và nhà sản xuất nước thứ ba nắm bắt thông tin. Ngoài ra, các công cụ CNTT chuyên dụng hỗ trợ thực hiện tính toán và báo cáo này hiện đang được phát triển, đồng thời các tài liệu đào tạo, hội thảo trực tuyến và hướng dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp khi cơ chế chuyển đổi bắt đầu cũng đang được gấp rút chuẩn bị.

Ở giai đoạn chuyển tiếp, các bên bắt đầu thu thập dữ liệu từ ngày 1/10/2023 và sẽ cần làm báo cáo và nộp trước ngày 31/1/2024.

Việc áp dụng dần dần CBAM cho phép quá trình chuyển đổi thận trọng và để cho các doanh nghiệp EU và ngoài EU kịp có cơ hội chuẩn bị và thích ứng và các cơ quan nhà nước có những điều chỉnh phù hợp. Trong giai đoạn chuyển tiếp này, các nhà nhập khẩu 6 nhóm hàng hóa CBAM là sắt thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và Hydro sẽ chỉ phải báo cáo lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trong hàng nhập khẩu của họ (phát thải trực tiếp và gián tiếp) mà chưa cần trả phí hoặc thanh toán.

Quy định thực thi này mang lại sự linh hoạt nhất định khi đề cập đến các giá trị được sử dụng để tính toán lượng phát thải gắn liền với hàng nhập khẩu trong giai đoạn chuyển tiếp.

Trong năm đầu tiên, các công ty sẽ được lựa chọn báo cáo theo một trong ba cách: (a) báo cáo đầy đủ theo phương pháp; (b) báo cáo dựa trên hệ thống quốc gia tương đương của nước thứ ba; và (c) báo cáo dựa trên các giá trị tham chiếu, tuy nhiên từ ngày 1 tháng 1 năm 2025, chỉ phương pháp của EU mới được chấp nhận.

Sau khi hệ thống bước vào giai đoạn vận hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2026, các nhà nhập khẩu sẽ phải khai báo hàng năm số lượng hàng hóa nhập khẩu vào EU trong năm trước đó và lượng khí thải nhà kính liên quan của chúng. Sau đó, họ sẽ cần mua và nộp số lượng chứng chỉ CBAM tương ứng. Giá của chứng chỉ sẽ phụ thuộc vào các phiên đấu giá trung bình hàng tuần của các khoản trợ cấp ETS của EU được biểu thị bằng €/tấn CO2 thải ra. Việc loại bỏ dần việc phân bổ tự do theo EU ETS sẽ diễn ra song song với việc dần dần áp dụng CBAM trong giai đoạn 2026-2034.

Mời các bạn xem thông tin hướng dẫn chi tiết của EU về CƠ CHẾ ĐIỀU CHỈNH BIÊN GIỚI CARBON (CBAM) tại đây.