Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững

28/10/2024

Lượt xem 29

Định hướng phát triển ngành Xi măng Việt Nam trong thời gian tới là sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường.

Ngày 25/10, Hội thảo "Hướng đi xanh cho doanh nghiệp xi măng phát triển bền vững và giảm dấu chân carbon" được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, đã thu hút sự tham gia đông đảo của các Bộ, ngành, nhà khoa học, chuyên gia và doanh nghiệp, với mục tiêu góp phần đưa ra các giải pháp phát triển bền vững và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu trong ngành Xây dựng.

TS Vũ Ngọc Anh - Vụ trưởng Vụ KHCN & MT phát biểu tại hội thảo

Giảm phát thải khí nhà kính đối với ngành Xây dựng nói chung, lĩnh vực sản xuất xi măng nói riêng trong bối cảnh Việt Nam cam kết với cộng đồng quốc tế sẽ đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua Bộ Xây dựng đã tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp triển khai các giải pháp đồng bộ, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất xi măng, nhằm giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến phát triển xanh, bền vững.

Định hướng phát triển ngành Xi măng Việt Nam trong thời gian tới là sử dụng tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải; gắn sản xuất với tái chế, tái sử dụng chất thải, xử lý chất thải và bảo vệ môi trường. 

Hiện tại, ngành Xi măng có 92 dây chuyền sản xuất clinker, với tổng công suất đạt 122,34 triệu tấn xi măng/năm. Về tiêu hao nguyên liệu, trung bình mỗi tấn clinker tiêu tốn 1,55 tấn nguyên liệu (đá vôi, đất sét, phụ gia), trong khi nhiệt năng tiêu hao trung bình là 800 kcal/kg clinker và điện năng là 95 kWh/tấn xi măng. Mục tiêu phát triển ngành Xi măng giai đoạn 2021 - 2030 bao gồm việc chỉ đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất clinker có công suất trên 5.000 tấn/ngày, gắn với vùng nguyên liệu và hệ thống tận dụng nhiệt khí thải. Đến năm 2025, các dây chuyền clinker có công suất dưới 2.500 tấn/ngày sẽ phải đổi mới công nghệ. Ngành cũng đặt mục tiêu giảm tiêu hao nhiệt năng xuống dưới 730 kcal/kg clinker và điện năng dưới 90 kWh/tấn xi măng. Đến hết năm 2025, 100% dây chuyền clinker lớn hơn 2.500 tấn/ngày phải có hệ thống tận dụng nhiệt khí thải. Đầu tư trạm nghiền xi măng có công suất phù hợp ở những khu vực không thuận lợi về nguyên liệu để sản xuất clinker xi măng. Tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình toàn ngành tối đa ở mức 65%; phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%. Tổng công suất thiết kế các nhà máy xi măng đến năm 2025 không vượt quá 125 triệu tấn/năm; đến năm 2030 không vượt quá 150 triệu tấn/năm. 

Trong giai đoạn 2031 - 2050, ngành Xi măng sẽ tập trung phát triển kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, sử dụng chất thải và rác thải làm nguyên liệu. Việc đồng xử lý chất thải trong lò nung xi măng sẽ được đẩy mạnh nhằm giảm lượng chất thải phải chôn lấp và cải thiện hiệu quả kinh tế. Đồng thời, các dây chuyền sản xuất hiện có sẽ được cải tiến để xử lý hầu hết các loại chất thải mà không phát sinh ô nhiễm, từ đó góp phần giảm phát thải ra môi trường. 

Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, công cụ đo đạc báo cáo thẩm định MRV, phát thải trung bình cho sản xuất clinker trong vài năm gần đây ở mức 872 (827÷905) kg CO₂/tấn clinker. Đối với xi măng, năm 2023 khoảng 617 (455÷792) kg CO₂/tấn xi măng (PCB40 dân dụng) và 9 tháng đầu năm 2024 khoảng 610 (445÷786) kg CO₂/tấn xi măng, đáp ứng mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam. Từ đó, Vicem đã nghiên cứu và đưa ra thị trường những sản phẩm xi măng mới với tỷ lệ sử dụng clinker thấp (khoảng 50%) như MC25 và C91 và tận dụng nhiệt thừa để phát điện. 

Công ty CP Xi măng Fico-YTL (Fico-YTL) cũng đã nghiên cứu và phát triển xi măng hàm lượng clinker thấp, áp dụng công nghệ nghiền riêng để giảm hàm lượng clinker. Fico-YTL cũng nghiên cứu ứng dụng các khoáng chất trong phế phẩm công nghiệp và sử dụng hiệu quả các phụ gia hóa học phù hợp với đặc tính clinker nhằm tối ưu hóa sản phẩm. Sản phẩm xi măng xanh ECOCem của Fico-YTL phát thải CO₂ thấp hơn ít nhất 30% so với xi măng portland, cùng với hàm lượng clinker giảm và việc sử dụng nguyên liệu thay thế.

Hiện nay, các doanh nghiệp xi măng cũng đang phải đối mặt với nhiều áp lực trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về biến đổi khí hậu và chuyển đổi năng lượng. Các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định mới từ quốc gia và quốc tế, bao gồm việc sử dụng nhiên liệu thay thế, áp dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, cũng như cải tiến quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải khí nhà kính. Hội thảo cung cấp cho các cơ quan quản lý, đơn vị tư vấn và doanh nghiệp xi măng trao đổi, thảo luận về những vấn đề thiết yếu mà ngành đang đối mặt, mà còn là dịp giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn các quy định về giảm phát thải khí nhà kính.

Nguồn: Xây dựng