Nội dung chính

    Khảo sát vùng thấm trên đê bằng phương pháp Thăm dò điện đa cực

    26/12/2022

    Lượt xem 278

    Một trong những hiểm họa luôn đe dọa đến độ an toàn của các đê đất là có các vùng thấm, rò rỉ qua thân đê, nền đê và mang cống. Tuy nhiên, hiện nay việc đánh giá mức độ thấm để quyết định xử lý chủ yếu mới bằng cách quan sát trên mái, việc xử lý thấm chủ yếu bằng biện pháp khoan phụt tạo màn chống thấm. Vì vậy, vấn đề quan trọng đặt ra là cần nghiên cứu phương pháp để khảo sát, xác định vị trí thực của vùng thấm trong đê giúp nâng cao hiệu quả xử lý. Bài viết trình bày một số kết quả khảo sát xác định vùng thấm trong đê đất tại đoạn K38+800- K39+200 đê hữu sông Chu - Thanh Hóa bằng phương pháp Thăm dò điện đa cực với thiết bị SuperSting R1/IP và phần mềm xử lý EarthImage 2D.

    1. Đặt vấn đề

    Toàn quốc có hơn 5.000 km đê sông, hầu hết những con đê này được xây dựng hàng trăm năm trên nền đất tự nhiên, gần như không có sự xử lý nền nào. Vì vậy, trên đê thường xuất hiện những ẩn họa gây nên những nguy cơ mất an toàn ở mức độ và tính chất khác nhau. Một trong số ẩn họa nguy hiểm đó là thấm, rò rỉ qua thân đê, nền đê và mang cống. Tuy nhiên, hiện nay việc đánh giá mức độ thấm cho đê bước đầu chỉ dựa vào việc quan sát trên mái; việc xử lý thấm chủ yếu bằng biện pháp khoan phụt tạo màng chống thấm. Công tác khoan phụt được tiến hành ở cùng một độ sâu và dọc theo đê dẫn đến có thể khoan phụt chưa đến độ sâu cần thiết làm cho hiệu quả của khoan phụt bị giới hạn. Ngoài ra, để tiến hành khoan phụt thì người ta thường phải khoan rộng ra rất nhiều so với vùng thấm gây lãng phí. Điển hình như đoạn K38+800-K39+200 đê hữu sông Chu mỗi khi nước sông lên to xẩy ra hiện tượng sủi phía đồng và khi nước sông thấp hơn thì nước từ trong đồng thấm ra sông. Tại đây đã có hai hố sụt tại 2 vị trí K38,96 và K39. Tại vị trí này đã xử lý khoan phụt xử lý thấm trong đầu năm 2011 nhưng vẫn tiếp tục thấm. Phương pháp Thăm dò điện đa cực đã được sử dụng để khảo sát vùng thấm này theo yêu cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi cục Đê điều và Phòng chống bão lụt Thanh Hóa.

     

    2. Phương pháp và khu vực khảo sát

    2.1. Phương pháp nghiên cứu

    Phương pháp Thăm dò điện đa cực là phương pháp thăm dò điện có độ phân giải cao. Với phương pháp này sẽ cho ta bức tranh tổng thể về điện trở suất của các lớp đất đá và các đối tượng nằm trong lòng đất. Qua nghiên cứu, chúng ta thấy rằng: với đối tượng như vùng thấm nằm trong thân đê thì thường có lượng nước chứa trong đó nhiều hơn hẳn so với môi trường xung quanh nên điện trở suất thường nhỏ hơn môi trường. Còn đối với các thấu kính cát gây thấm dưới nền đê thì thường có điện trở suất cao hơn hẳn môi trường. Qua một số thử nghiệm chúng tôi thấy sử dụng hệ cực đo Wenner là phù hợp nhất để nghiên cứu vùng thấm. Chúng tôi đã sử dụng hệ thiết bị SuperSting R1/IP, hệ cực đo Wenner 56 cực và xử lý trên phần mềm EarthImager để nghiên cứu (hình 1).

    2.2. Khu vực khảo sát

    Đoạn K38+800-K39+200 đê hữu sông Chu đã từng bị bục phía đồng vào những năm 70 thế kỷ trước khi nước sông lên cao. Từ khi đó đến nay khi nước sông xuống thấp thì thấy hiện tượng nước chảy từ đồng ra sông với lưu lượng lớn. Và tại đây đã xẩy ra hiện tượng sụt mái phía sông với đường kính lên đến 7m. Hiện tại khu vực này đã được khoan phụt xử lý nhưng hiện tượng thấm vẫn không giảm.

     

    3. Kết quả khảo sát tại K38+650-K39+200 hữu sông Chu - Thanh Hóa

    3.1. Bố trí tuyến khảo sát

    Trên hệ thống đê chúng tôi tiến hành bố trí 5 tuyến khảo sát dọc theo đê trong đó 2 tuyến nằm tại mái phía sông, 2 tuyến tại mặt đê và 1 tuyến ở phía đồng (hình 3).

     

    3.2. Kết quả khảo sát

    Do tuyến khảo sát dài nên khi xử lý và phân tích kết quả chúng tôi chia mỗi tuyến ra làm 4 đoạn để xử lý và phân tích kết quả.

     

    Trên kết quả (hình 4) khảo sát đoạn K38+997-K39+162 được thể hiện theo thứ tự từ phía sông vào trong đồng cho thấy trên cả 5 tuyến đo ở đầu tuyến đều xuất hiện 1 dị thường điện trở suất cao cụ thể:
    + Trên tuyến thứ nhất mái sông: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 30 và ở chiều sâu từ 2,5 – 8m
    + Trên tuyến thứ 2 mái sông: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 28; Sâu từ 3 – 10m
    + Trên tuyến thứ 3 mặt đê giáp mái sông: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 32; Sâu từ 3,5 – 12m
    + Trên tuyến thứ 4 mặt đê giáp mái đồng: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 43; Sâu: từ 4,5 – 10,5m
    + Trên tuyến thứ 5 ở trong đồng: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 31; Sâu: từ 2,5- 8,5m

    Trên kết quả (hình 5) khảo sát đoạn K38+875-K39+040 được thể hiện theo thứ tự từ
    phía sông vào trong đồng cho thấy trên cả 5 tuyến đo đều xuất hiện 1 dị thường điện trở suất cao tại giữa tuyến khảo sát cụ thể:
    + Trên tuyến thứ nhất mái sông: Dị thường nằm từ m thứ 34 -84 và 100 – 153m và Sâu: từ 2,5 – 13m so với mái đê.
    + Trên tuyến thứ 2 mái sông: Có 2 dị thường tại m 24- 132 có chiều sâu từ 4-18m và
    dị thường từ m 124-148 có chiều sâu 3-10m
    + Trên tuyến thứ 3 mặt đê giáp mái sông: Dị thường nằm từ m 13 – 152 Sâu từ 3,5 – 17m
    + Trên tuyến thứ 4 mặt đê giáp mái đồng: Dị thường nằm từ m thứ 41-149 Sâu: từ 4,5- 11,5m
    + Trên tuyến thứ 5 ở trong đồng: Dị thường nằm từ m 57-152 Sâu từ 2,5 – 11m

     

    Trên kết quả (hình 6) khảo sát đoạn K38+757-K38+922 cho thấy trên cả 3 tuyến đo đều xuất hiện 1 dị thường điện trở suất cao tại đầu tuyến và trên tuyến khảo sát phía đồng có cả dị thường tại cuối tuyến cụ thể:
    + Trên tuyến thứ 1 mặt đê giáp mái sông: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m 42m sâu: từ 7-19m và dị thường thứ 2 nằm tại m 132-165m sâu 4-10m
    + Trên tuyến thứ 2 mặt đê giáp mái đồng: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 42 sâu từ 7-19m
    + Trên tuyến thứ 3 ở trong đồng: Dị thường nằm từ đầu tuyến đến m thứ 36m sâu từ 8-21m.
    Kết quả (hình 7) khảo sát cho thấy cuối tuyến đoạn 90-165m chiều Sâu từ 6-13m có dị thường điện trở suất cao.

     

    Từ các kết quả khảo sát nêu trên, chúng tôi có thể kết luận được rằng tại đoạn K38+650- K39+200 hữu sông Chu - Thanh Hóa có các thấu kính cát gây thấm qua đê được minh họa trên hình 8.

     

    4. Tổng kết

    1. Từ kết quả khảo sát, chúng tôi nhận thấy áp dụng phương pháp Thăm dò điện đa cực với thiết bị SuperSting R1/IP, hệ cực đo Wenner 56 cực và xử lý trên phần mềm EarthImager đã xác định được cấu trúc và đối tượng gây thấm đoạn đê K38,637-K39,162 ở Thiệu Hóa - Thanh Hóa.
    2. Từ cấu trúc và điện trở suất đặc trưng của khối vật liệu gây thấm chúng tôi nhận định đây là một thấu kính cát nằm trong nền đê.
    3. Khu vực khảo sát K38,637-K39,162 xác định 2 khối dị thường có nguy cơ gây thấm độc lập.
    - Dị thường thứ nhất nằm trong đoạn đê từ K38,890 đến K39,28 ở vùng đang thấm ngược từ sông ra đồng.
    - Dị thường thứ 2 từ K38,728 đến K38,8. Dị thường này nhỏ và nằm sâu hơn so với dị
    thường 1. Dị thường này nằm trên vùng bãi phía sông rộng và cao và phía đồng không có ao hồ cắt qua dị thường, do đó khả năng gây thấm là nhỏ. Hơn nữa, chúng tôi mới chỉ đo được 1 tuyến trọn vẹn qua đoạn đê có dị thường 2, còn 2 tuyến đo khác mới cắt qua 1 phần dị thường này. Để phân tích và đánh giá chính xác dị thường 2 chúng tôi thấy cần phải khảo sát chi tiết hơn.
    4. Phương pháp khoan phụt xử lý đầu năm 2011 do không xác định được rõ chiều sâu đối tượng gây thấm nên chỉ phụt vữa được gần 1/3 phía trên đối tượng nên vùng thấm vẫn tiếp tục hoạt động. Ngoài ra, một số hố khoan phụt năm ngoài đối tượng gây thấm nên không có tác dụng hạn chế thấm.


    Mọi thông tin chi tiết xin vui lòng liên hệ:
    Trung tâm Giải pháp Phần mềm và Thiết bị Công nghệ
    Hotline: 0976 268 036 / 024 3974 1373