Nội dung chính

    Kiểm kê Khí nhà kính – Bước hành động quan trọng trong lộ trình đạt Net Zero 2050

    30/05/2023

    Lượt xem 390

    Kiểm kê khí nhà kính đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của thay đổi khí hậu, là bước quan trọng để Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero ) vào năm 2050.

    Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0  hay còn gọi là Net Zero vào năm 2050. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu và tập trung triển khai các biện pháp nhằm giảm phát thải khí nhà kính tập trung vào 5 ngành nghề chính, bao gồm: Năng lượng, Giao thông, Sản xuất Công nghiệp, Xây dựng và chất thải. Đây là chặng đường dài với nhiều khó khăn & thách thức, cần nhiều nguồn lực để thực hiện. Trong đó, các biện pháp thực hiện kiểm kê khí nhà kính đang được thực hiện & triển khai. 

    Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.Xem chi tiết tại đây.

    Lợi ích của việc kiểm kê khí nhà kính

    Việc kiểm kê KNK là bắt buộc với các doanh nghiệp có lượng phát thải cao, tuy nhiên bên cạnh đó, nó cũng đem lại một số lợi ích cho doanh nghiệp như:

    • Chuẩn bị cho các chương trình báo cáo bắt buộc và tham gia vào thị trường tín chỉ carbon trong tương lai;
    • Có hiểu biết toàn diện về hiện trạng phát thải của công ty, xác định và định lượng các nguồn phát thải chính giúp công ty quản lý lượng phát thải và xác định các biện pháp giảm phát thải hiệu quả và tiết kiệm nhất, xác định các rủi ro liên quan đến hạn ngạch KNK trong tương lai;
    • Tăng tính minh bạch thông qua việc tự nguyện công bố dữ liệu về lượng phát thải KNK, từ đó cải thiện hình ảnh, khả năng cạnh tranh của công ty, được ghi nhận các hành động tiên phong;
    • Xây dựng nền tảng để công ty tiến tới con đường phát triển các-bon thấp, bao gồm việc xác định lộ trình giảm phát thải KNK và/hoặc mục tiêu net-zero;
    • Là bước đầu tiên và quan trọng để công ty phát triển chiến lược tận dụng các cơ hội từ biến đổi khí hậu để xây dựng lợi thế cạnh tranh trong kinh doanh. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp thu hút đầu tư và gặt hái những cơ hội kinh doanh mới.

     

    Đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

    Ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg, quy định các đối tượng cụ thể phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Theo đó, danh mục các lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính bao gồm 06 nhóm lĩnh vực:

    i) Năng lượng;
    ii) Giao thông vận tải; 
    iii) Xây dựng; 
    iv) Các quá trình công nghiệp; 
    v) Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất; vi) Chất thải.

     

    Trong năm 2023, Đối tượng phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính là đối tượng có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 3.000 tấn CO2 tương đương trở lên hoặc thuộc một trong các trường hợp sau:

    Thứ 1: Nhà máy nhiệt điện, cơ sở sản xuất công nghiệp có tổng lượng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 tấn dầu tương đương (TOE) trở lên;

    Thứ 2: Công ty kinh doanh vận tải hàng hóa có tổng tiêu thụ nhiên liệu hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;

    Thứ 3: Tòa nhà thương mại có tổng tiêu thụ năng lượng hằng năm từ 1.000 TOE trở lên;

    Thứ 4:  Cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất hoạt động hằng năm từ 65.000 tấn trở lên.

    Hiện nay, 1.912 doanh nghiệp đang triển khai việc cung cấp số liệu hoạt động, thông tin liên quan để phục vụ kiểm kê khí nhà kính (KNK) năm 2023. Đa phần doanh nghiệp lần đầu thực hiện công việc này nên khó tránh khỏi vướng mắc như chưa rõ quy mô thông tin cần báo cáo, phương pháp tính toán kiểm kê; trong khi cơ quan thẩm định tại địa phương băn khoăn việc thiếu nhân lực có trình độ phù hợp.

    Đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc kiểm kê Khí nhà kính

    Theo Điều 14 Nghị định 06/2022/NĐ-CP về yêu cầu đối với đơn vị thẩm định phát thải khí nhà kính, cụ thể như sau:

    • Đơn vị thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính là tổ chức có năng lực thẩm định được Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu công nhận; hoặc được cấp chứng nhận tiêu chuẩn TCVN ISO 14065 về các yêu cầu đối với các tổ chức thẩm định và kiểm định khí nhà kính sử dụng trong việc công nhận hoặc các hình thức thừa nhận khác; hoặc có kỹ thuật viên được cấp chứng nhận hoàn thành khóa học về kiểm kê khí nhà kính theo quy định của Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực tương ứng
    • Đơn vị thẩm định thực hiện thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.

    Hiện nay, tuy nhà nước chưa yêu cầu các doanh nghiệp phải giảm phát thải ngay nhưng việc kiểm kê khí nhà kính đang là việc làm cần thiết, góp phần không nhỏ hướng tới mục tiêu chung quốc gia là đạt mức phát thải ròng bằng 0 năm 2050.

    Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC đang triển khai dịch vụ tư vấn kiểm kê phát thải khí nhà kính theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 14064. Kết quả của quá trình kiểm kê sẽ là một báo cáo kiểm kê khí nhà kính đầy đủ thông tin, chính xác và có thể dùng để nộp cho cơ quan quản lý nhà nước theo quy định, đồng thời cung cấp cho đối tác khách hàng khi được yêu cầu.

    ISO 14064 là gì?

    ISO 14064 là tiêu chuẩn quốc tế quy định các nguyên tắc và yêu cầu để định lượng và báo cáo phát thải và loại bỏ khí nhà kính (GHG). 

    Tiêu chuẩn ISO 14064 chia thành ba phần:

    Tiêu chuẩn ISO 14064-1: Đặt ra các nguyên tắc và yêu cầu ở cấp độ tổ chức để định lượng, báo cáo phát thải và loại bỏ khí nhà kính (GHG). 

    Tiêu chuẩn ISO 14064-2: Đặt ra các nguyên tắc, yêu cầu và cung cấp hướng dẫn ở cấp dự án để định lượng, giám sát và báo cáo các hoạt động nhằm giảm phát thải hoặc tăng cường loại bỏ khí nhà kính (GHG). 

    Tiêu chuẩn ISO 14064-3: Đặt ra các nguyên tắc, yêu cầu và cung cấp hướng dẫn cho những người tiến hành hoặc quản lý việc xác nhận và / hoặc xác minh các khẳng định về khí nhà kính (GHG).

    Để được hỗ trợ thông tin về dịch vụ kiểm kê khí nhà kính, vui lòng liên hệ:

    Hotline: 0866.059.659 – Công ty Cổ phần Công nghệ và Tư vấn CIC.