Nội dung chính

    Những hiểu lầm về BIM (phần 2)

    09/03/2021

    Lượt xem 112

    Tiếp theo phần 1, sau đây là những điều và những quan niệm sai lầm về BIM:

    5 - BIM là Revit

    Đây có lẽ là 1 trong những quan niệm phổ biến nhất. Việc này diễn ra bởi vì Autodesk có chiến lược Marketing quá mạnh và Revit đã trở nên đại chúng hơn bao giờ hết. Revit có thể sử dụng cho nhiều mục đích, bao gồm tạo lập mô hình, lập bản vẽ, phối hợp bộ môn, bóc tách khối lượng,... Nhưng thực ra, không phải ứng dụng nào Revit cũng làm tốt. Nói chính xác hơn, trên từng ứng dụng BIM, luôn có nhiều giải pháp khác nhau và một số trong đó là tốt nhất để người sử dụng lựa chọn. Mở rộng tầm nhìn, thử nghiệm đủ nhiều để có cái nhìn khách quan nhất, thì ta có thể đưa ra sự lựa chọn phù hợp nhất cho dự án và doanh nghiệp của mình.

     

     

    6 - BIM là không dùng CAD

    Người ta hay nói chuyển đổi từ CAD sang BIM, nhưng từ khi thực hiện các dự án BIM, tôi hiểu rằng một dự án phải có sự kết hợp của nhiều phần mềm, và một trong số đó cũng không thể thiếu AutoCAD. Không phải mọi thứ đều cần được mô hình, và không phải mọi thông tin đều nằm dưới định dạng *.rvt.

     

    7 - BIM là Autodesk

    Không thể phủ nhận các giải pháp Autodesk đã trở nên quá phổ biến, nhưng Autodesk cũng là một hãng phần mềm trong việc cung cấp các giải pháp ứng dụng BIM. Bạn có thể đọc khái lược lịch sử của BIM ở đường dẫn sau: https://www.archdaily.com/302490/a-brief-history-of-bim 

    Rất nhiều giải pháp lớn và hay trên thế giới chưa chú trọng đến thị trường Việt Nam, do vậy, ít người biết đến, chẳng hạn Nemetscheck với các giải pháp rất tốt như Allplan, dRofus, Graphisoft, Solibri,...

     

     

    Hiện nhiều hãng phần mềm xác định phát triển theo hướng openBIM, trao đổi dữ liệu qua định dạng IFC và BCF. Điều này giúp cho dự án có sự linh hoạt hơn trong việc lựa chọn giải pháp thực hiện, cũng như mỗi công ty đều có thể lựa chọn giải pháp phù hợp nhất cho doanh nghiệp của mình mà vẫn đảm bảo dữ liệu trao đổi đồng nhất về tiêu chuẩn cấu trúc. 

     

    8 - Quá tập trung vào mô hình thay vì thông tin

    Thông tin được định hình và tăng dần mức độ chi tiết theo từng giai đoạn của dự án. Mô hình càng chi tiết thì càng nặng và giảm hiệu suất thao tác trên file. Điều quan trọng hơn là phải xác định được thông tin nào cần trao đổi trong giai đoạn đó. Bởi vì nhiều thông tin không cần được mô hình mà vẫn có thể trích xuất được thông tin. Như vậy, việc quản lý trao đổi thông tin vẫn đảm bảo mà hiệu suất thao tác vẫn nhanh và mượt. Chẳng hạn, thay vì mô hình ván khuôn trên Revit thì có thể chuyển đổi mô hình sang giải pháp Cubicost để bóc tách khối lượng ván khuôn dựa trên diện tích các bề mặt kết cấu cùng các luật tính toán. Thông tin không thể tạo lập thiếu nhưng tạo lập thừa cũng không phải là ý tưởng hay. Cần xác định vừa đủ mức độ chi tiết mô hình dựa theo yêu cầu thông tin cần lấy. 

     

    9 - LOD theo Mô hình và Giai đoạn

    Nói đến mức độ chi tiết của mô hình, hẳn ai cũng nghĩ ngay đến khái niệm LOD - Level of Development. Chúng ta thường nghe nói, mô hình này LOD bao nhiêu, hay giai đoạn thi công LOD bao nhiêu. Thực ra, không có một mô hình hay giai đoạn nào có mức độ LOD đồng nhất cho toàn bộ cấu kiện cả. Trong cùng một giai đoạn và trong cùng một mô hình, có thể có một số cấu kiện được mô hình rất chi tiết do cần khai thác nhiều thông tin, trong khi một số cấu kiện hay thiết bị khác chỉ được đưa vào mô hình ở mức độ chi tiết tương đối đủ để xác định vị trí và hình dạng chứ chưa xác định kích thước chính xác. Do đó, khi nói mô hình hay giai đoạn này ở mức độ chi tiết bao nhiêu thì cần hiểu rằng đó là cách nói nôm na mức độ chi tiết tổng quát nhất chứ không phải là cho mọi cấu kiện trong mô hình đó.

    Đôi khi tôi vẫn thường nghe các mức độ LOD như 150, 250. Nhưng tôi lại không thể tìm thấy một tài liệu nào quy định 150 hay 250 là mức độ chi tiết cụ thể như thế nào. Vốn dĩ, LOD trong quy định của AIA chỉ có 5 cấp độ: 100, 200, 300, 400 và 500. Sau khi BIM Forum với sự đề xuất của nhiều chuyên gia đã bổ sung mức độ LOD 350 với các quy định cực kỳ rõ ràng trong tài liệu mà bạn có thể tải tại bimforum.org/lod/

    Trước khi bắt đầu dự án áp dụng BIM, các bên có thể thoả thuận các mức độ chi tiết trong kế hoạch thực hiện BIM, dưới định dạng bảng thường gọi là Bảng tiêu chuẩn phát triển mô hình (Model Progression Specification), quy đinh rõ, các cấu kiện qua từng giai đoạn sẽ phát triển với mức độ chi tiết đến đâu, để làm cơ sở nghiệm thu sau này. Nếu gọi LOD mức độ 150, 250 mà không có quy định cụ thể thì đó chỉ là LOD theo... cảm giác mà không có căn cứ rõ ràng, và việc xác định LOD sẽ không có giá trị gì cả.

     

    Theo: https://thao.work/

    Quý khách quan tâm tới các giải pháp phần mềm BIM, dịch vụ tư vấn BIM, dịch vụ đào tạo BIM có thể tìm hiểu thêm tại: Tư vấn BIM