Nội dung chính

    Tác động của chính sách Net Zero tới kiểm soát lạm phát của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam

    17/12/2024

    Lượt xem 4

    Bài "Tác động của chính sách Net Zero tới kiểm soát lạm phát của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam" do ThS. Trần Mạnh Kiên (Khoa Kinh tế Quốc tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh) thực hiện.

    TÓM TẮT NỘI DUNG 

    Chính sách Net Zero, với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính về mức bằng không vào năm 2050, mang lại nhiều lợi ích bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, chính sách này có thể gây ra những tác động kinh tế tiêu cực, đặc biệt là ảnh hưởng đến kiểm soát lạm phát. Việc chuyển đổi năng lượng từ nguồn hóa thạch sang năng lượng tái tạo làm tăng chi phí sản xuất, giá hàng hóa, dịch vụ và gây ra áp lực lạm phát. Các quốc gia như Liên minh châu Âu, Mỹ và Trung Quốc đã triển khai các biện pháp hỗ trợ tài chính và đầu tư vào công nghệ xanh để giảm thiểu tác động này. Việt Nam có thể học hỏi từ kinh nghiệm của các quốc gia này để xây dựng chiến lược chuyển đổi hiệu quả, vừa giảm thiểu lạm phát, vừa đảm bảo phát triển bền vững khi thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Bài viết này tập trung phân tích tác động của chính sách Net Zero tới kiểm soát lạm phát của một số quốc gia và kinh nghiệm cho Việt Nam.

    1. Đặt vấn đề

    Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trở thành vấn đề toàn cầu, nhiều quốc gia đã cam kết thực hiện các chính sách Net Zero, tức là giảm lượng phát thải khí nhà kính về mức bằng không vào năm 2050. Mặc dù chính sách này có tác dụng lớn trong việc bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững, nhưng cũng tiềm ẩn những tác động kinh tế sâu rộng, trong đó có việc ảnh hưởng tới kiểm soát lạm phát. Lạm phát ở các quốc gia thực hiện Net Zero có thể gia tăng do chi phí chuyển đổi năng lượng, tăng giá hàng hóa và dịch vụ do ảnh hưởng của các biện pháp giảm phát thải. Vì vậy, việc phân tích tác động của chính sách Net Zero tới kiểm soát lạm phát là một yếu tố quan trọng mà các quốc gia cần xem xét trong quá trình chuyển đổi.

    Nhiều quốc gia phát triển đã đối mặt với những thách thức này và có những biện pháp ứng phó hiệu quả. Các quốc gia như Liên minh châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và nhiều nước đang phát triển khác đều đã triển khai các chính sách hỗ trợ tài chính, đầu tư vào công nghệ xanh và xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo để giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế và kiểm soát lạm phát. Những bài học từ các quốc gia này sẽ là nguồn tài liệu quan trọng giúp Việt Nam xây dựng một chiến lược chuyển đổi hiệu quả và phù hợp, trong khi vẫn đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát trong quá trình thực hiện mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

    2. Kinh nghiệm từ các quốc gia châu Âu

    Hệ thống Thương mại Carbon của Liên minh châu Âu (EU ETS) là công cụ chính trong chiến lược giảm phát thải của châu Âu. Đây là hệ thống "cấp phép và giao dịch" đầu tiên và lớn nhất trên thế giới, áp dụng cho các ngành có lượng phát thải cao như năng lượng, công nghiệp và hàng không.

    Cơ chế của EU ETS là đặt ra giới hạn tổng lượng phát thải cho các ngành tham gia, sau đó phân bổ hoặc bán các giấy phép phát thải (carbon credits) cho các doanh nghiệp. Sau đó các doanh nghiệp có thể giao dịch giấy phép này trên thị trường, tạo động lực kinh tế để giảm phát thải và đầu tư vào công nghệ sạch.

    Những điều này tác động tới giá năng lượng vì giá giấy phép carbon có xu hướng tăng trong các giai đoạn gần đây, do mục tiêu giảm phát thải ngày càng khắt khe. Điều này làm tăng chi phí sản xuất năng lượng từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch. Kết quả là giá năng lượng bán lẻ, bao gồm điện và nhiên liệu, tăng lên, dẫn đến tác động lan tỏa đến giá cả hàng hóa và dịch vụ.

    Điều này đã tác động tới lạm phát do:

    • Tăng chi phí sản xuất: Chi phí phát thải cao hơn khiến giá sản phẩm tăng, đặc biệt là trong các ngành năng lượng, vận tải và sản xuất công nghiệp nặng.
    • Tăng giá tiêu dùng: Giá năng lượng cao hơn làm tăng chi phí sinh hoạt, dẫn đến áp lực lạm phát.

    Nhưng các tác động không đồng đều vì các quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch (như Ba Lan) chịu tác động lớn hơn so với các quốc gia đã chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

    Để giảm thiểu tác động của EU ETS đến người dân và doanh nghiệp, các quốc gia châu Âu đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính, bao gồm:

    Trợ cấp năng lượng:

    • Một số quốc gia, như Pháp và Đức, triển khai trợ cấp giá điện và khí đốt để giảm áp lực chi phí cho các hộ gia đình, đặc biệt là những hộ thu nhập thấp.
    • Các gói hỗ trợ năng lượng được tài trợ từ nguồn thu từ bán giấy phép carbon trong hệ thống ETS.

    Hỗ trợ chuyển đổi xanh:

    • Đầu tư vào năng lượng tái tạo: EU đã dành nguồn vốn lớn từ Quỹ Phục hồi và Phát triển Bền vững để hỗ trợ các dự án năng lượng xanh, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
    • Tài trợ đổi mới công nghệ: Các chương trình như Horizon Europe tập trung thúc đẩy nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực năng lượng sạch.

    Giảm tác động xã hội:

    • Chuyển đổi công bằng (Just Transition): Hỗ trợ các cộng đồng và lao động bị ảnh hưởng bởi quá trình giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch thông qua đào tạo nghề và tạo việc làm mới.
    • Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs): Cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc trợ cấp để doanh nghiệp có thể thích nghi với chi phí tăng từ ETS.

    Dù những chính sách này có đạt được những kết quả tích cực như giúp giảm lượng phát thải đáng kể, đồng thời thúc đẩy đầu tư vào công nghệ xanh nhưng nó vẫn góp phần làm giá năng lượng tăng, đặc biệt trong bối cảnh xung đột địa chính trị và khủng hoảng năng lượng toàn cầu nên gây ra nhiều cuộc biểu tình phản đối của người dân.

    3. Tác động của các chính sách Net Zero tại Mỹ tới lạm phát

    Chính sách Net Zero ở Mỹ tập trung vào việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, khuyến khích công nghệ sạch và định giá carbon. Những chính sách này đã có tác động nhất định đến lạm phát qua 3 khía cạnh chính:

    • Tăng giá năng lượng trong ngắn hạn: Chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo thường đòi hỏi đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng mới (như hệ thống lưới điện và trạm năng lượng tái tạo). Chi phí này có thể dẫn đến việc tăng giá điện trong giai đoạn đầu.
    • Tăng giá nguyên vật liệu: Mỹ phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu thô như lithium, cobalt, và nickel để sản xuất pin và xe điện (EV). Khi nhu cầu tăng, giá các nguyên liệu này đã tăng mạnh, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.
    • Giảm chi phí năng lượng dài hạn: Khi các công nghệ tái tạo (như năng lượng mặt trời và gió) trở nên phổ biến và chi phí giảm, giá năng lượng cũng có xu hướng giảm theo. Điều này giúp giảm áp lực lạm phát về lâu dài.

    Chính phủ Mỹ đã triển khai nhiều chính sách để giảm thiểu tác động của quá trình chuyển đổi Net Zero tới giá cả và lạm phát:

    Luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act - IRA) năm 2022: IRA là một bước tiến quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu Net Zero. Luật này phân bổ khoảng 369 tỷ USD để hỗ trợ các dự án năng lượng sạch và công nghệ giảm phát thải trong 10 năm, gồm:

    • Hỗ trợ tài chính: Giảm thuế cho các hộ gia đình mua xe điện, lắp đặt năng lượng mặt trời, hoặc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, giúp giảm chi phí tiêu dùng.
    • Tăng cường sản xuất nội địa: IRA khuyến khích sản xuất các sản phẩm năng lượng tái tạo tại Mỹ, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và hạn chế biến động giá.

    Đầu tư cơ sở hạ tầng xanh: Chính phủ đã tài trợ mạnh mẽ cho các dự án cơ sở hạ tầng xanh như xây dựng trạm sạc EV, nâng cấp lưới điện và phát triển hệ thống vận tải công cộng. Những khoản đầu tư này không chỉ giảm phát thải mà còn tạo việc làm mới, giúp duy trì sức mua và ổn định nền kinh tế.

    Hỗ trợ doanh nghiệp và cộng đồng: Các khoản vay ưu đãi và tài trợ cho các công ty chuyển đổi sang mô hình sản xuất ít phát thải. Điều này giúp giảm chi phí sản xuất và tránh tăng giá sản phẩm. Các cộng đồng dễ bị tổn thương cũng được hỗ trợ tài chính trực tiếp, như trợ cấp hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình có thu nhập thấp.

    Những chính sách trên đã đạt được kết quả tích cực như (i) ổn định chi phí năng lượng trong dài hạn, giúp giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, bảo vệ nền kinh tế khỏi biến động giá dầu khí toàn cầu; và (ii) thúc đẩy tăng trưởng xanh: các ngành năng lượng tái tạo và sản xuất xe điện đã trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

    Tuy nhiên, vẫn còn nhiều những thách thức như chi phí ban đầu cao dù có nhiều hỗ trợ, các dự án năng lượng sạch vẫn cần nguồn vốn lớn, tạo áp lực lên ngân sách và giá cả trong ngắn hạn. Ngoài ra, nó cũng gặp các vấn đề về Chênh lệch khu vực như các bang giàu năng lượng hóa thạch (như Texas, West Virginia) gặp khó khăn hơn trong quá trình chuyển đổi, dẫn đến sự khác biệt về chi phí năng lượng giữa các khu vực.

    4. Tác động của chính sách Net Zero tới kiểm soát lạm phát ở Trung Quốc

    Trung Quốc cam kết đạt mức phát thải đỉnh vào năm 2030 và Net Zero vào năm 2060. Để đạt được mục tiêu này, Trung Quốc đã triển khai một loạt các chính sách liên quan đến năng lượng sạch, công nghệ tái tạo và thị trường carbon.

    Thứ nhất, chuyển đổi năng lượng quy mô lớn: Trung Quốc tập trung đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió và thủy điện. Quốc gia này hiện dẫn đầu thế giới về công suất năng lượng tái tạo lắp đặt, đặc biệt là năng lượng mặt trời và gió.

    Thứ hai, thị trường giao dịch carbon: hệ thống giao dịch phát thải carbon của Trung Quốc (ETS), được khởi động từ năm 2021, áp dụng cho các ngành công nghiệp lớn, giúp kiểm soát lượng phát thải và tạo động lực tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất xanh.

    Thứ ba, thúc đẩy sản xuất xe điện (EV): chính phủ Trung Quốc đã hỗ trợ mạnh mẽ ngành sản xuất xe điện thông qua trợ cấp và các ưu đãi thuế. Điều này giúp giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và đóng vai trò quan trọng trong việc giảm phát thải.

    4.1.Những chính sách trên đã có một số tác động đến lạm phát như:

    Tăng giá năng lượng trong giai đoạn chuyển đổi:

    Ngắn hạn: việc giảm dần sự phụ thuộc vào than đá và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo làm tăng chi phí sản xuất điện trong giai đoạn đầu. Giá điện tăng đã ảnh hưởng đến chi phí sản xuất hàng hóa và dịch vụ. Ví dụ, trong các giai đoạn thiếu hụt năng lượng (như năm 2021), giá cả hàng hóa tiêu dùng và nguyên liệu sản xuất đã tăng cao, gây áp lực lạm phát.

    Dài hạn: khi công nghệ tái tạo phát triển, chi phí sản xuất năng lượng giảm dần, giúp ổn định giá cả và giảm áp lực lạm phát. Năm 2022, chi phí sản xuất điện từ năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đã giảm đáng kể, góp phần kiểm soát giá điện.

    Tăng giá nguyên vật liệu chiến lược: Trung Quốc là trung tâm sản xuất các thiết bị năng lượng tái tạo, bao gồm pin mặt trời và pin xe điện. Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với nguyên liệu như lithium, cobalt và nickel đã dẫn đến việc tăng giá các mặt hàng này, ảnh hưởng đến chi phí sản xuất trong nước.

    Để làm giảm tác động của việc chuyển đổi sang năng lượng sạch tới lạm phát, Trung Quốc đã thực hiện một số chính sách như:

    • Đầu tư công nghệ và mở rộng quy mô sản xuất: Trung Quốc tập trung phát triển công nghệ nội địa để giảm chi phí sản xuất năng lượng tái tạo. Ví dụ: giá các tấm pin mặt trời và tuabin gió đã giảm nhờ sản xuất quy mô lớn.
    • Chính sách hỗ trợ tài chính: chính phủ cung cấp các khoản vay ưu đãi, trợ cấp trực tiếp, và ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào năng lượng sạch. Điều này giúp giảm áp lực chi phí và tác động đến giá tiêu dùng.
    • Đảm bảo an ninh năng lượng: trong giai đoạn chuyển đổi, Trung Quốc tiếp tục sử dụng năng lượng than ở mức giới hạn để đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm nguy cơ tăng giá năng lượng đột ngột.
    • Kiểm soát giá cả và hỗ trợ tiêu dùng: chính phủ thường xuyên áp dụng các biện pháp kiểm soát giá hàng hóa cơ bản và hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp để giảm tác động lạm phát.

    5. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Khi Việt Nam thực hiện các chính sách Net Zero nhằm giảm phát thải khí nhà kính và chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, sẽ có một số yếu tố có thể dẫn đến việc tăng lạm phát như:

    Thứ nhất, tăng chi phí sản xuất năng lượng: việc chuyển đổi từ năng lượng hóa thạch (như than, dầu, khí đốt) sang năng lượng tái tạo (như năng lượng mặt trời, gió, thủy điện) thường đòi hỏi chi phí đầu tư ban đầu lớn cho cơ sở hạ tầng, công nghệ và nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu, chi phí sản xuất năng lượng có thể tăng cao, dẫn đến việc giá điện và các dịch vụ năng lượng khác tăng lên, tác động trực tiếp tới giá trị của các hàng hóa và dịch vụ khác, từ đó đẩy lạm phát.

    Thứ hai, tăng chi phí vận chuyển và logistics: các chính sách Net Zero có thể yêu cầu thay đổi mạnh mẽ trong ngành vận tải, từ việc chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông điện hoặc xe sử dụng năng lượng sạch. Tuy nhiên, chi phí đầu tư vào công nghệ mới và hạ tầng cho giao thông vận tải điện, cùng với chi phí bảo trì và vận hành, có thể làm tăng giá cước vận chuyển, kéo theo sự tăng giá của hàng hóa tiêu dùng.

    Thứ ba, tăng chi phí sản xuất và nguyên liệu đầu vào: các ngành công nghiệp như sản xuất, xây dựng, nông nghiệp có thể phải đối mặt với chi phí cao hơn khi thực hiện chính sách Net Zero. Việc áp dụng công nghệ xanh, sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc giảm phát thải có thể làm tăng chi phí sản xuất do thiếu sự sẵn có của nguyên liệu thay thế, tăng chi phí lao động khi cần thêm công nghệ và quy trình mới, cũng như yêu cầu đào tạo nhân lực.

    Thứ tư, chi phí chuyển đổi và điều chỉnh của các doanh nghiệp: các doanh nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp lớn như thép, xi măng, hóa chất, có thể sẽ phải đầu tư vào các công nghệ và quy trình sản xuất mới để đáp ứng yêu cầu giảm phát thải khí nhà kính. Chi phí chuyển đổi này có thể làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt trong giai đoạn đầu khi các công nghệ mới chưa được áp dụng rộng rãi.

    Thứ năm, tăng chi phí của các sản phẩm tiêu dùng: khi các ngành công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng phải thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, chi phí sản xuất tăng lên có thể dẫn đến việc tăng giá sản phẩm.

    Thứ sáu, sự thay đổi trong cơ cấu thị trường lao động: trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế Net Zero, nhiều ngành nghề có thể bị thu hẹp hoặc thay đổi, dẫn đến sự dịch chuyển lao động. Việc tái đào tạo và điều chỉnh lực lượng lao động có thể làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp và nền kinh tế.

    Thứ bảy, tăng chi phí tài chính và nợ công: để hỗ trợ các chính sách Net Zero, chính phủ có thể phải vay mượn hoặc tăng chi tiêu công cho các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng nợ công, khiến chính phủ phải điều chỉnh chính sách tài khóa để đối phó với nợ nần, có thể bao gồm tăng thuế hoặc giảm chi tiêu công.

    Việc thực hiện chính sách Net Zero có thể dẫn đến những tác động không mong muốn như tăng giá năng lượng và lạm phát. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của các quốc gia tiên phong trong chuyển đổi kinh tế carbon thấp, Việt Nam có thể rút ra nhiều bài học giá trị để giảm thiểu những ảnh hưởng này.

    Một là, đầu tư mạnh vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh.

    Chuyển đổi năng lượng là yếu tố cốt lõi trong chính sách Net Zero, nhưng nếu không có chiến lược đầu tư phù hợp, chi phí năng lượng cao có thể làm tăng lạm phát. Dưới đây là một số chính sách đối với ngành năng lượng sạch: Khuyến khích đầu tư tư nhân và quốc tế vào các dự án năng lượng tái tạo thông qua các ưu đãi về thuế và tiếp cận đất đai; Phát triển hệ thống truyền tải điện đồng bộ, tránh tình trạng lãng phí năng lượng tái tạo do hạn chế về cơ sở hạ tầng; Tăng cường nghiên cứu và phát triển công nghệ lưu trữ năng lượng để tối ưu hóa hiệu quả sử dụng năng lượng tái tạo; Nghiên cứu xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

    Hai là, Triển khai cơ chế định giá carbon hiệu quả và minh bạch.

    Định giá carbon, nếu không được thực hiện một cách hợp lý, có thể tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và dẫn đến tăng giá hàng hóa, do đó cần: thiết lập thị trường carbon nội địa với lộ trình rõ ràng, bắt đầu từ các ngành dễ kiểm soát như năng lượng và sản xuất công nghiệp; Sử dụng nguồn thu từ thuế hoặc giao dịch carbon để đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ; Tăng cường năng lực quản lý và giám sát để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của thị trường carbon.

    Ba là, áp dụng các chính sách hỗ trợ tài chính hợp lý.

    Việc hỗ trợ tài chính giúp giảm thiểu tác động tiêu cực của chính sách Net Zero tới người tiêu dùng và doanh nghiệp, từ đó kiểm soát lạm phát. Nhà nước có thể: Cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ xanh hoặc tham gia thị trường carbon; Trợ cấp trực tiếp cho các sản phẩm và dịch vụ xanh, như xe điện hoặc các thiết bị tiết kiệm năng lượng, để khuyến khích người tiêu dùng; Xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuyển đổi công nghệ nhằm giảm chi phí ban đầu.

    Bốn là, quản lý quá trình chuyển đổi năng lượng một cách cân bằng

    Cụ thể như: Xây dựng lộ trình chuyển đổi năng lượng hợp lý, đảm bảo cân bằng giữa phát triển năng lượng tái tạo và duy trì nguồn cung từ năng lượng hóa thạch; Đầu tư vào các công nghệ cải thiện hiệu suất năng lượng và giảm phát thải trong các nhà máy điện than hiện có; Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận công nghệ sản xuất năng lượng sạch.

    Năm là, đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng.

    Truyền thông hiệu quả giúp giảm thiểu phản ứng tiêu cực từ cộng đồng và thúc đẩy sự ủng hộ đối với các chính sách Net Zero. Ví dụ: Xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng, tập trung vào các lợi ích dài hạn của chính sách Net Zero đối với kinh tế và môi trường; Tổ chức các chương trình giáo dục cộng đồng về cách tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng, và sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường.

    Sáu là, huy động nguồn tài chính quốc tế và hợp tác đa phương.

    Nguồn tài chính xanh từ quốc tế giúp Việt Nam giải quyết vấn đề vốn đầu tư cho các dự án Net Zero mà không gây áp lực lên ngân sách quốc gia. Đây là nguồn lực rất quan trọng nên Việt Nam cần: tham gia tích cực vào các cơ chế tài chính khí hậu toàn cầu để huy động vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng xanh; đẩy mạnh hợp tác song phương với các quốc gia tiên tiến để học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ hiện đại.

    6. Kết luận

    Các bài học từ các quốc gia tiên phong trong chuyển đổi Net Zero cho thấy việc giảm tác động lạm phát đòi hỏi một chiến lược toàn diện, bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, hỗ trợ tài chính, định giá carbon minh bạch và nâng cao nhận thức cộng đồng. Đối với Việt Nam, việc áp dụng các bài học này không chỉ giúp giảm áp lực kinh tế mà còn thúc đẩy phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

    • IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change). (2021). Climate Change 2021: The Physical Science Basis. Contribution of Working Group I to the Sixth Assessment Report of the Intergovernmental Panel on Climate Change. Cambridge University Press.
    • World Bank. (2020). The Cost of Carbon Neutrality: Economic Impact and Policy Implications. World Bank Publications.
    • OECD (Organisation for Economic Co-operation and Development). (2021). Net Zero by 2050: A Roadmap for the Global Economy. OECD Publishing.

    [Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 11 năm 2024]
     


    <script> (function(w,d,u){ var s=d.createElement('script');s.async=true;s.src=u+'?'+(Date.now()/60000|0); var h=d.getElementsByTagName('script')[0];h.parentNode.insertBefore(s,h); })(window,document,'https://crm.cic.com.vn/upload/crm/site_button/loader_7_dpkpao.js'); </script>