Nội dung chính

    Thị trường tín chỉ carbon – Lộ trình phát triển tại Việt Nam

    07/03/2023

    Lượt xem 2059

    Những năm gần đây, tín chỉ carbon được xem là nguồn lực mới cho Việt Nam, đặc biệt đối với ngành lâm nghiệp. Tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, ngoài Quảng Nam đã và đang xây dựng đề án bán tín chỉ carbon rừng, hầu hết các doanh nghiệp đều rất mơ hồ về thị trường mới này.

    Tín chỉ Carbon là gì?

    Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e). Hiện nay, các quốc gia trên thế giới phải thực hiện việc cắt giảm khí nhà kính để đạt được thỏa thuận chung tại Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu và các thỏa thuận quốc tế khác về khí nhà kính, từ đó nảy sinh nhu cầu mua bán phát thải, tức là các quốc gia dư thừa quyền phát thải có thể bán cho các quốc gia phát thải nhiều hơn mục tiêu đã cam kết và ngược lại. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

     

    Sau Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997, thị trường carbon đã phát triển mạnh tại các quốc gia châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á. Có hai loại thị trường chính là:

    Thị trường carbon bắt buộc (mandatory carbon market): thị trường mà việc mua bán carbon dựa trên cam kết của các quốc gia trong Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCCC) để đạt được mục tiêu cắt giảm khí nhà kính. Thị trường này mang tính bắt buộc và chủ yếu dành cho các dự án trong cơ chế phát triển sạch (CDM), Cơ chế phát triển bền vững (SDM) hoặc đồng thực hiện (JI).

    Thị trường carbon tự nguyện (voluntary carbon market): dựa trên cơ sở hợp tác thỏa thuận song phương hoặc đa phương giữa các tổ chức, công ty hoặc quốc gia. Bên mua tín chỉ tham gia vào các giao dịch trên cơ sở tự nguyện để đáp ứng các chính sách về môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) để giảm dấu chân carbon.

     

    Thị trường carbon trên thế giới

    Được hình thành từ năm 2005, thị trường carbon của EU là thị trường mua bán quyền phát thải đầu tiên và lớn nhất thế giới. Thành viên của thị trường này bao gồm tất cả các nước EU và 3 nước châu Âu khác và thị trường carbon EU đã đưa ra giới hạn phát thải đối với hơn 11.000 nhà máy sản xuất năng lượng, nhà máy sản xuất công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng như sắt thép, xi-măng, gốm, giấy và các công ty hàng không có các đường bay ở châu Âu... Khoảng 45% tổng lượng phát thải của EU  trao đổi trên thị trường này. Do đó, đây được xem là một trong những công cụ quan trọng nhất của EU để ứng phó biến đổi khí hậu, thực thi cam kết trong Nghị định thư Kyoto trước đây và hiện nay là Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

    Ngoài EU, Trung Quốc bắt đầu đề cập xây dựng thị trường carbon trong Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2015 và sau đó đã tiến hành thí điểm diện rộng tại các khu vực, thành phố với các mức độ kinh tế đa dạng khác nhau. Ngày 16/7/2021, thị trường giao dịch trao đổi carbon Trung Quốc đã chính thức vận hành nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon năm 2060.

    Tiềm năng của giá trị thị trường Carbon được dự báo sẽ tăng mạnh trong giai đoạn 2030 -2050 khi các quốc gia buộc phải thực hiện đầy đủ các cam kết giảm phát thải của mình. Trên thị trường này, các quốc gia công nghiệp như: Mỹ, Canada, Nhật Bản và châu Âu sẽ vẫn là người mua chủ đạo trong khi các nước châu Mỹ La tinh, Trung Quốc và Ấn Độ, châu Phi là người bán then chốt. Tuy nhiên, vào cuối thế kỉ 21, một số nước hiện đang là người bán có thể sẽ chuyển sang vai trò là người mua.

     

    Việt Nam – Lên kế hoạch xây dựng và phát triển kể từ 2025

    Ngay từ năm 2012, Việt Nam đã tham gia và tích cực chuẩn bị cho quá trình hình thành và phát triển thị trường carbon trong nước, tiến tới hội nhập với khu vực và thế giới. Ngày 07/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022/NĐ-CP quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Theo đó, lộ trình phát triển, thời điểm triển khai thị trường carbon trong nước đã được vạch rõ.

    Giai đoạn đến hết năm 2027 sẽ: Xây dựng quy định quản lý tín chỉ carbon, hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon; Triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong các lĩnh vực tiềm năng và hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon kể từ năm 2025; Triển khai các hoạt động tăng cường năng lực, nâng cao nhận thức về phát triển thị trường carbon.

    Giai đoạn từ năm 2028, sẽ: Tổ chức vận hành sàn giao dịch tín chỉ carbon chính thức trong năm 2028; Quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

     

    Như vậy, hiện nay nước ta đang trong quá trình hoàn thiện các chế định về thị trường carbon. Và đến năm 2028 sàn giao dịch tín chỉ carbon sẽ chính thức được vận hành. Hiện Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên Môi trường đang tích cực triển khai các công việc cần thiết để sớm xây dựng được thị trường tín chỉ carbon tại Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, hiện Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn cũng đang phối hợp với một số tổ chức quốc tế để nghiên cứu và đưa ra đề xuất cho vấn đề này. “Các bên đều đang rất nỗ lực để trong 1-2 năm tới sẽ có nghiên cứu chuyên sâu hơn để phối hợp cùng các bộ ngành đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các DN và địa phương” – PGS.TS Nguyễn Hồng Quân cho biết.

    Việc xây dựng và đưa vào vận hành thị trường carbon được kỳ vọng sẽ giúp tăng cường giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển công nghệ phát thải thấp và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của DN.