Tin chuyên ngành
Trang chủ > Tin tức > Tin chuyên ngành > Thị trường tín chỉ carbon- Những chính sách và lộ trình hình thành01/03/2024
Lượt xem 595
Tọa đàm Thị trường Carbon do VTV1 thực hiện, với sự tham gia của Bà Tô Nguyễn Cẩm Anh Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Tài chính; TS. Lương Quang Huy – Trưởng phòng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và Bảo vệ tầng ô-zôn, Cục Biến đổi khí hậu – Bộ TNMT. Các chuyên gia tại buổi tọa đàm đã cung cấp nhiều thông tin mới về các chính sách cũng như bức tranh toàn cảnh về thị trường tín chỉ carbon ở Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới.
Ông Lương Quang Huy cho biết: Theo lộ trình, đến năm 2025, Việt Nam sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Từ nay cho đến lúc đó, Việt Nam sẽ hoàn thiện các quy định về việc áp dụng công cụ định giá carbon bao gồm hệ thống trao đổi hạn ngạch về thị trường tín chỉ carbon (viết tắt là ETS), cơ chế tạo tín chỉ và trao đổi bù trừ trong nước.
Để hình thành thị trường tín chỉ carbon, Việt Nam cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về phát thải carbon làm căn cứ xác định hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các doanh nghiệp. Đây là cơ sở để áp 1 mức trần quyền phát thải của các doanh nghiệp. Căn cứ vào đó thì mỗi doanh nghiệp thiếu hạn ngạch phát thải sẽ mua lại quyền phát thải của những doanh nghiệp thừa (chính là mua tín chỉ carbon).
Cho đến thời điểm này có 39 quốc gia và 33 vùng lãnh thổ đã áp dụng các công cụ định giá carbon để tạo ra thị trường carbon nội địa đối với hoạt động giảm phát thải khí nhà kính. Thị trường tín chỉ carbon này có thể là bắt buộc, hoặc tự nguyện. Có 2 loại thị trường carbon: Thị trường carbon bắt buộc và Thị trường carbon tự nguyện.
Theo bà Tô Nguyễn Cẩm Anh, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế Bộ Tài chính thì hầu hết các quốc gia trên thế giới đã phát triển thị trường carbon trên cơ sở thiết lập 1 hệ thống đăng ký quốc gia về tín chỉ carbon nhằm quản lý tín chỉ carbon và mục tiêu giảm phát thải của quốc gia. Bên cạnh hệ thống đăng ký quốc gia này, họ có thêm 1 hệ thống sàn giao dịch bên ngoài. Một số quốc gia theo đuổi theo hình thức phi tập trung, có nghĩa là các tín chỉ carbon được đăng tải trên 1 trang thông tin điện tử, người bán và người mua có thể theo dõi thông tin. Một số quốc gia khác lại xây dựng hệ thống với hình thức tập trung trên hệ thống giao dịch điện tử. Ví dụ như Hàn Quốc đang sử dụng sàn giao dịch tín chỉ carbon giống sàn giao dịch chứng khoán cho việc trao đổi tín chỉ carbon và hạn ngạch.
Từ những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, Việt Nam sẽ học hỏi để xây dựng một sàn giao dịch tín chỉ carbon theo hướng hiện đại, tiên tiến và bảo đảm hệ thống trao đổi tín chỉ carbon được công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham gia.