Nội dung chính

    Tín chỉ carbon là gì ? Cơ hội cho lâm nghiệp hay thách thức với doanh nghiệp sản xuất tại Việt Nam?

    28/02/2023

    Lượt xem 8628

    Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho quyền phát thải ra một tấn carbon dioxide (CO2) hoặc khí nhà kính khác được tổng hợp tương đương 1 tấn CO2 (viết tắt là tCO2e). Đây là đơn vị mua bán trên thị trường tín chỉ carbon.

    Thị trường mua bán tín chỉ carbon đang dần nóng lên ở Việt Nam, đặc biệt sau khi Thủ tướng Chính phủ công bố tại hội nghị COP26 rằng Việt Nam cam kết đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, từ đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 06/2022 về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon. Bộ Tài nguyên và Môi trường  đã xây dựng đề án “Phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” hướng tới mục tiêu đến sẽ bắt đầu thí điểm từ năm 2025 Việt Nam và đến năm 2028 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ carbon. Tuy nhiên, để vận hành thị trường này với quỹ thời gian không còn nhiều, sẽ còn rất nhiều vấn đề liên quan đến năng lực kỹ thuật của các bên tham gia thị trường cần giải quyết.

     

    Tiềm năng cho ngành lâm nghiệp

    Nhiều năm nay, Việt Nam sản xuất được và bán tín chỉ carbon, nhưng những giao dịch này chưa được chú ý nhiều. PGS.TS Nguyễn Bá Ngãi, phó chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, cho biết trên thế giới thị trường tín chỉ carbon đã hình thành từ lâu và ngành lâm nghiệp Việt Nam có hai cơ hội: một là tín chỉ carbon rừng được hình thành từ việc chống mất rừng sẽ đóng góp vào giảm phát thải quốc gia, hai là tín chỉ carbon được cây cối trong rừng hấp thụ lại. Hai loại này nếu làm tốt hằng năm thì có thể dư ra khoảng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon, nếu xuất khẩu thành công thì số tiền thu về lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Tuy nhiên, ông cũng đưa ra câu hỏi về chính sách rằng rừng là bể chứa cacbon, nhưng cacbon được quy đổi ra sẽ thuộc về ai, chủ rừng hay người dân. Từ đó, ông cho rằng để Việt Nam có thể phát triển thị trường tín chỉ carbon, cần quy định rõ: carbon rừng là hàng hóa thì sẽ được dán nhãn ra sao, thuế chịu như thế nào, đo đếm ra sao, thuộc danh mục hàng hóa nào... ?


    Rừng Việt Nam với tiềm năng 50 - 70 triệu tấn tín chỉ carbon

     

    Hiện nay, Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho lập đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng. Theo phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu, dự kiến trong giai đoạn thí điểm sẽ lựa chọn được nhà đầu tư vào dự án, đàm phán, đồng thời ký hợp đồng đầu tư, thu mua tín chỉ carbon rừng ; tính đến nay đã có 5 công ty, tổ chức nước ngoài bày tỏ quan tâm đầu tư và mong muốn mua tín chỉ carbon rừng của Quảng Nam. Đề án xây dựng lộ trình ngay năm 2022 sẽ bán 1,5 triệu tín chỉ của các năm 2018, 2019 và 2020, tức bình quân mỗi năm bán 0,5 triệu tín chỉ. Cũng theo đó, đối tượng chính hưởng lợi từ đề án thị trường mua bán tín chỉ carbon là chủ rừng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư. 

     

    Doanh nghiệp phải chuyển mình phù hợp

    Hiện nay, EU đang tiến hành kế hoạch để đạt được mục tiêu tham vọng trở thành lục địa trung hòa khí hậu vào năm 2050. Do đó, tháng 12/2022 họ đã đưa ra cơ chế để ngăn chặn tính trạng « rò rỉ các - bon » có tên gọi Cơ chế điều chỉnh biên giới các-bon. Cơ chế này có thể ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh trong xuất khẩu các loại hàng hóa như điện, sắt thép, phân bón, nhôm và xi măng của một số nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là 5 đối tác thương mại hàng đầu của EU tại Châu Á gồm: Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu. Nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của châu Âu, doanh nghiệp bắt buộc phải mua chứng chỉ khí thải theo mức giá carbon hiện nay tại châu Âu. Hiện nay, Việt Nam đang xếp thứ 11 về hàng hóa nhập khẩu vào EU và phần lớn các sản phẩm xuất khẩu của chúng ta vào thị trường này không thuộc các nhóm ngành kể trên, tuy nhiên phạm vi có thể sẽ mở rộng và bao gồm nhiều sản phẩm hơn, do đó, chúng ta cần chuẩn bị một cách kĩ lưỡng nhất để tránh trường hợp bị động trong tương lai. 


    Hàng hóa Việt Nam muốn xuất khẩu đi các thị trường khó tính bắt buộc phải đảm bảo các tiêu chí chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động cũng như an toàn môi trường

     

    Trước mắt, đã có danh mục gần 2.000 doanh nghiệp phát thải lớn như : Thép, nhiệt điện, quản lý chất thải rắn, sản xuất xi măng sẽ được giao nhiệm vụ kiểm kê phát thải theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Theo lộ trình, từ năm 2026 trở đi, các doanh nghiệp bắt buộc phải xây dựng kế hoạch giảm phát thải. Như vậy, tính từ thời điểm này, các doanh nghiệp sẽ có khoảng thời gian đủ dài để có thể tìm hiểu và xây dựng kế hoạch phù hợp với mô hình và hoạt động của mình, đặc biệt là nghiên cứu kĩ các vấn đề liên quan đến kiểm kê, giám sát phát thải KNK và MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định); tính toán mức tiêu hao năng lượng và phát thải KNK trong sản xuất, kinh doanh….