Nội dung chính

    Việt Nam sẽ chính thức vận hành thị trường carbon từ năm 2029

    09/10/2024

    Lượt xem 236

    Trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; từ 2029 Việt Nam sẽ chính thức vận hành thị trường carbon.

    Sẽ vận hành thị trường carbon từ năm 2029

    Tại cuộc họp ngày 7/10/2024 cho ý kiến hoàn thiện dự thảo Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, thị trường carbon hết sức tiềm năng trong thu hút vốn đầu tư và phát triển công nghệ.

    Đề án này xác định lộ trình thực hiện thí điểm thị trường carbon tại Việt Nam trên tinh thần "vừa làm, vừa hoàn thiện" để đón đầu, bắt kịp xu hướng thế giới trong giai đoạn 2025 - 2028. Bắt đầu từ 2029, Việt Nam sẽ chính thức vận hành thị trường carbon. 

    Lãnh đạo Chính phủ nêu rõ, Đề án ban hành là để thực hiện ngay, do vậy, phải ngắn gọn, rõ quan điểm, mục tiêu. Cụ thể là hình thành và vận hành nhuần nhuyễn sàn giao dịch carbon trong nước cả về pháp lý, con người, cơ chế chính sách; chưa thực hiện giao dịch quốc tế, trừ những hoạt động trao đổi tín chỉ carbon theo những thỏa thuận quốc tế.

    Theo dự thảo Đề án, việc phát triển thị trường carbon tuân thủ tại Việt Nam góp phần thực hiện mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) với chi phí của doanh nghiệp và xã hội thấp, tạo dòng tài chính mới cho hoạt động cắt giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển công nghệ phát thải thấp.

    Điều này góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam ở trong nước và trên thị trường thế giới, phát triển nền kinh tế carbon thấp và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (net zero 2050).

    Trong giai đoạn năm 2025-2028, thị trường carbon được triển khai thí điểm trên toàn quốc; chưa bán tín chỉ carbon ra nước ngoài; chưa quy định các hoạt động kết nối, trao đổi tín chỉ carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới.

    Từ năm 2029, thị trường carbon được vận hành chính thức trên toàn quốc; bổ sung các loại tín chỉ carbon được xác nhận để giao dịch trên thị trường; mở rộng chủ thể được tham gia giao dịch tín chỉ carbon trên sàn giao dịch carbon; nghiên cứu khả năng kết nối thị trường carbon trong nước với thị trường carbon khu vực và thế giới...

    Được biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và giám sát liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon như hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến hàng hóa trên thị trường carbon; xây dựng yêu cầu nghiệp vụ về tổ chức, quản lý thị trường và các điều kiện, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với sàn giao dịch carbon…

    Trong khi đó, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và giám sát liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường carbon; giải quyết khiếu nại, kiến nghị, tố cáo và xử lý vi phạm liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa trên thị trường carbon...

    Những thị trường carbon lớn nhất trên thế giới

    Thị trường carbon toàn cầu hình thành trong hơn 3 thập niên qua, với việc nhiều quốc gia và khu vực đã triển khai "Hệ thống giao dịch khí thải" (ETS) để định giá và giao dịch quyền phát thải, nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ carbon thấp, góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu.

    Theo báo cáo của Sở Giao dịch Chứng khoán London (LSEG), quy mô thị trường carbon toàn cầu năm 2023 đạt mức kỷ lục 949 tỷ USD, tăng 2% so với 2022. Dù khối lượng giao dịch tương tự 2022 - khoảng 12,5 tỷ tấn carbon - nhưng giá trị giao dịch tăng cao khiến quy mô thị trường phát triển. Sau đây là các thị trường carbon lớn nhất thế giới, theo báo cáo thống kê của LSEG.

    Đồ họa: Dỹ Tùng/VnEpress

    Châu Âu

    Hệ thống Giao dịch Khí thải Liên minh Châu Âu (EU ETS) đi vào hoạt động năm 2005, áp dụng cho 27 quốc gia thành viên EU và Iceland, Liechtenstein, Na Uy. Đây là thị trường carbon bắt buộc, nhằm mục tiêu giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 so với mức năm 1990. EU ETS là thị trường carbon lớn nhất thế giới, đạt giá trị hơn 858 tỷ USD, tăng 2% so với 2022 và chiếm 87% tổng giá trị toàn cầu. 

    Tham gia thị trường này ban đầu là các cơ sở sản xuất, nhà máy điện và các ngành công nghiệp có lượng phát thải cao (chiếm khoảng 40% tổng lượng khí thải tại EU). Đến đầu 2024, EU mở rộng phạm vi áp dụng cho lĩnh vực hàng hải, vốn đang chiếm 3-4% tổng lượng khí thải CO2 của khu vực.

    Bắc Mỹ

    Thị trường carbon Bắc Mỹ có quy mô hơn 79,5 tỷ USD, với 2 thành phần lớn là Sáng kiến Khí hậu Phương Tây (WCI) và Sáng kiến Khí nhà kính Khu vực (RGGI). Giá carbon trên WCI và RGGI từng đạt kỷ lục lần lượt là 39 USD mỗi tấn và hơn 15 USD mỗi tấn năm ngoái.

    WCI thành lập năm 2007 là chương trình giao dịch khí thải liên kết giữa một số bang của Mỹ và Canada, chủ yếu gồm California và tỉnh Québec. WCI áp dụng cơ chế cap-and-trade (giới hạn và giao dịch) cho các lĩnh vực có mức phát thải lớn như công nghiệp và năng lượng.

    RGGI ra mắt vào năm 2009, với sự tham gia của 11 bang Mỹ, gồm Connecticut, Delaware, Maine, Maryland, Massachusetts, New Hampshire, New Jersey, New York, Rhode Island, Vermont và Virginia. Chương trình tập trung vào các nhà máy điện có công suất từ 25 MW trở lên.

    RGGI đặt ra giới hạn tổng lượng phát thải CO2 cho toàn khu vực và bán đấu giá hạn ngạch. Doanh nghiệp có thể mua để đáp ứng nhu cầu phát thải của mình và bán lại nếu thừa hạn ngạch. Doanh thu từ đấu giá quyền phát thải được sử dụng để đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo, cải thiện hiệu quả năng lượng và hỗ trợ các chương trình bảo vệ môi trường tại các bang thành viên.

    Anh

    Sau khi rời khỏi EU TES, Anh thành lập Hệ thống Giao dịch Khí thải Vương quốc Anh (UK ETS) vào năm 2021, áp dụng cho các doanh nghiệp có lượng phát thải lớn thuộc các ngành công nghiệp, năng lượng và vận tải.

    Cơ chế hoạt động chính của UK ETS là cap-and-trade, tức thiết lập mức trần phát thải hàng năm và cho phép các doanh nghiệp mua bán quyền phát thải - tức hạn ngạch - trên thị trường. Mục tiêu dài hạn của UK

    ETS là giảm 68% lượng phát thải vào năm 2030 so với mức của năm 1990, góp phần vào thực hiện cam kết của Anh trong lộ trình Net Zero vào năm 2050.

    Theo LSEG, quy mô của UK ETS năm 2023 đã giảm 22% so với 2022, xuống còn 40 tỷ USD. Trung bình mỗi tấn phát thải có giá hơn 70 USD, thấp hơn khoảng 34% so với hồi 2022.

    Trung Quốc

    Chính thức vận hành vào ngày 16/7/2021, Hệ thống Giao dịch Khí thải Trung Quốc (China ETS) là thị trường carbon quốc gia lớn nhất thế giới tính theo lượng phát thải được bao phủ là 5 tỷ tấn CO2 quy đổi tương đương, chiếm hơn 40% tổng lượng khí thải của Trung Quốc. Để so sánh EU ETS bao phủ 1,4 tỷ tấn CO2 quy đổi tương đương, theo dữ liệu đến 2024 của nền tảng dữ liệu Statista (Đức).

    Hệ thống này áp dụng cho hơn 2.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng trên toàn quốc, chủ yếu nhắm đến các nhà máy điện. Tuy nhiên, hệ thống dự kiến mở rộng ra các ngành công nghiệp khác như xi măng, sắt thép, và hóa chất.

    China ETS cũng là thị trường bắt buộc, hoạt động theo cơ chế "cap-and-trade". Trong đó, doanh nghiệp được phân bổ hạn ngạch phát thải và có thể mua bán nếu cần. Mục tiêu lâu dài của hệ thống là hỗ trợ Trung Quốc trong lộ trình Net Zero vào năm 2060. Tính đến 2023, China ETS có quy mô 2,3 tỷ USD. Giá giá trung bình mỗi tấn khí nhà kính phát thải từng trên thị trường này từng đạt 80,51 nhân dân tệ (11,19 USD) vào tháng 10/2023.

    Ngoài top 4 thị trường này, thế giới còn có nhiều thị trường carbon lớn khác như Hệ thống Giao dịch Khí thải California (Mỹ) thành lập vào 2013. Tại châu Á - Thái Bình Dương, 2 thị trường lớn ngoài Trung Quốc có thể kể đến là Hệ thống Giao dịch Khí thải New Zealand (NZ ETS) và Hệ thống Giao dịch Khí thải Hàn Quốc (KETS) ra đời lần lượt vào 2008 và 2015.

    Tổng hợp